Swarovski – Thương hiệu xa xỉ hơn 100 năm tuổi
Vào năm 1883 của thế kỷ 18, một quý ngài có tên Daniel Swarovski đã ghé thăm triển lãm thiết bị điện quốc tế được tổ chức tại thủ đô Viên của Áo. Tại đây, ông đã có cơ hội được tận mắt ngắm nhìn những thiết bị điện do Thomas Edison – nhà khoa học nổi tiếng nhất nước Mỹ lúc bấy giờ phát minh. Ông nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn cũng như tầm quan trọng của công nghệ khoa học trong chế tác trang sức.
Sau những cuộc đánh giá nghiêm ngặt và tính toán kỹ lưỡng, vào năm 1892 Daniel đã quyết định đăng ký bằng sáng chế độc quyền cho phát minh đầu tiên của mình đó là máy cắt pha lê tự động với độ chính xác cao nhất mà chưa loại máy móc nào có được ở thời điểm hiện tại.
So với việc phải cắt pha lê bằng phương pháp thủ công, chiếc máy của Daniel được đánh giá là một cuộc cách mạng trong ngành đá quý khi cho ra đời những viên pha lê cao cấp, được cắt gọt chính xác và sắc sảo tới từng minimet.
Ba năm sau đó, Daniel khởi công xây dựng nhà máy tại Wattens (Áo) chuyên sản xuất các viên pha lê lộng lẫy, đây chính là tiền thân của công ty sản xuất và chế tác đá quý nổi danh toàn cầu sau này là Swarovski.
Cái tên Swarovski được đặt theo chính tên nhà sáng lập là Daniel Swarovski. Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, giờ đây người ta biết đến Swarovski không chỉ với những viên pha lê đẹp trứ danh mà còn sự hiện diện của nó ở tất cả lĩnh vực như phụ kiện, trang sức, thời trang cao cấp…
Một số dấu mốc đáng nhớ của thương hiệu Swarovski:
- Năm 1931 : Swarovski lần đầu tiên sử dụng pha lê để đính lên các sản phẩm thời trang, phụ kiện và nội thất. Ngay sau đó, hàng loạt nhà mốt lớn của thời trang cao cấp chú ý đến hãng như Chanel, Dior, McQueen,… Đây cũng là con đường đưa Swarovski bước chân vào Hollywood.
- Năm 1935 : Swarovski chính thức bước chân vào thị trường kinh doanh các sản phẩm quang học như ống nhòm, kính viễn vọng,…
- Năm 1956 : Daniel Swarovski ra đi mãi mãi, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho giới điệu mộ trên khắp thế giới. Nhưng không để cha đẻ của Swarovski phải thất vọng, những người kế nghiệp ông đã tạo ra cú đột phá lớn khi để những viên pha lê được tráng kim loại nhằm tăng cường độ sáng của pha lê.
- Năm 1973 : Swarovski cho ra đời một chiếc nhẫn có trọng lượng nhẹ chỉ như một tờ giấy, tặng lại cho Thế vận hội thể thao mùa đông Olympic được diễn ra tại Áo để làm kỷ vật lưu niệm. Chiếc nhẫn sau đó trở thành nguồn cảm hứng chính để các nghệ nhân chế tác của Swarovski sáng tạo ra những đồ vật và con vật bằng pha lê. Ngày nay, kỹ thuật chế tác này là một nhánh sản xuất chính của Swarovski. Nổi tiếng nhất phải kể đến con vẹt xanh bằng pha lê.
- Năm 1987 : Cộng đồng các nhà sưu tập Swarovski được thành lập với tên viết tắt tiếng Anh là SCS, đây là nhóm gồm những người yêu thích trang sức pha lê trên toàn thế giới. Hiện tai, số lượng thành viên của SCS ước chừng vào khoảng 500 000 người.
- Năm 1988 : Swarovski giới thiệu bộ sưu tập phụ kiện bằng pha lê cao cấp mang tên Objects D’arte tại khách sạn Crillon (Pháp). Đây được coi là bộ sưu tập đầu tiên của Swarovski với số lượng hạn chế và đắt đỏ. Từ đó, hàng năm Swarovski đều đặn cho ra đời các bộ sưu tập tương tự, như Selection năm 1992 hay Crystal Memory năm 1993…
- Năm 1995 : Swarovski kỷ niệm 100 thành lập vô cùng xa hoa, bằng việc xây dựng một công viên giải trí tráng lệ mang tên Swarovski Crystal Worlds. Hiện nay, đây vẫn là điểm đến nổi tiếng với nhiều du khách với hệ thống mê cung, đài phun nước,… không thể huyền ảo hơn.
- Năm 2007 : Swarovski bắt tay với gã khổng lồ trong ngành điện tử là Philips để sản xuất bộ sưu tập Active Crystal – gồm những sản phẩm công nghệ nạm pha lê như USB, tai nghe,…
Pha lê Swarovski là gì ?
Pha lê Swarovski là sản phẩm pha lê được công ty Swarovski sản xuất với công thức pha trộn nguyên liệu thô, thành phần kim loại bổ sung cùng kỹ thuật máy cắt độc quyền. Công nghệ sản xuất pha lê Swarovski đã được đăng ký bảo hộ và là bí mật kinh doanh tuyệt mật của hãng.
Pha lê Swarovski được xếp vào nhóm các loại đá Cubic Zirconia (CZ), là loại pha lê đẹp và đắt đỏ nhất trong số tất cả các loại đá CZ. Thành phần chính của pha lê Swarovski là thủy tinh Silicat Kali trộn Oxit chì (PbO). Độ cứng vào khoảng 8 – 8,5 trên thang đo Mohs. Mặt cắt chủ yếu là mặt cắt tam giác và lục giác, như vậy khi xếp cạnh nhau sẽ tối ưu khả năng tán sắc.
Theo nhận định của một số chuyên gia đầu ngành chuyên nghiên cứu về đá quý thì trong một viên pha lê Swarovski có tỷ lệ chì lên tới 32%, trong khi đó tỷ lệ này ở pha lê thông thường vào khoảng 6 – 10%. Điều này này giúp các hạt pha lê đạt được độ trong suốt và độ sáng giống như kim cương, từ đó tối ưu hóa khả năng khúc xạ ánh sáng, càng dùng càng sáng loáng bóng bẩy.
Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, Swarovski cũng tạo ra nhiều màu sắc khác nhau cho pha lê. Tuy nhiên, Swarovski không cho nhuộm đá như các nhà sản xuất pha lê khác thường làm mà hãng thực hiện tráng hợp kim bên ngoài đá, các hợp kim đó như vàng kim, vàng đồng, xanh coban,… Mỗi viên pha lê Swarovski màu thường có ít nhất là hai lớp tráng, màu sắc gần giống với màu đặc trưng của một số loại đá như Hồng Ngọc, Ngọc Lục Bảo, Lam Ngọc,…nhưng giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Sự phủ sóng mạnh mẽ của pha lê Swarovski trong ngành công nghiệp thời trang trên Thế giới
Ngay từ năm 1931, khi Swarovski cho thử nghiệm việc đính pha lê nên vải vóc để cung ứng cho ngành thiết kế thời trang cao cấp, giá vải dù bị đội lên 200USD/ mét vẫn cháy hàng. Điều đó cho thấy mức độ mê hoặc của những viên pha lê này cực kỳ lớn.
Nhưng sự kiện khiến cái tên pha lê Swarovski bùng nổ trên toàn cầu có lẽ là cái bắt tay giữa hãng sản xuất pha lê nước Áo với nhà mốt Alexander McQueen lừng danh nước Pháp vào năm 1999. Trong bộ sưu tập Xuân Hè năm đó, Alexander McQueen đã cho giới điệu mộ chiêm ngưỡng những bộ đầm xuyên thấu đính pha lê Swarovski vô cùng gợi cảm và lộng lẫy.
Từ đó đến nay, hạt pha lê Swarovski trở thành một trong những nguyên liệu cao cấp chủ đạo không chỉ trong thiết kế phục trang mà còn cả đồng hồ, túi xách, phụ kiện,…
Vào năm 2006, tờ New York Times của Mỹ có bình luận về pha lê Swarovski như sau: “Ngay cả những người không hiểu biết nhiều về pha lê, lẫn lộn giữa pha lê và hạt cườm thì họ vẫn biết rằng pha lê Swarovski có sự gắn bó chặt chẽ với thời trang”.
Câu nói của một trong những tờ báo lớn uy tín hàng đầu thế giới đã phản ánh rõ nét vai trò cũng như giá trị to lớn của những hạt pha lê Swarovski đối với ngành công nghiệp tỷ đô này. Từ trang phục, túi xách, đồng hồ cho đến giày dép, nước hoa…, các tín đồ thời trang rất dễ dàng bắt gặp các sản phẩm đính loại pha lê cao cấp này.
Cách nhận biết pha lê Swarovski chính hãng
Do những đặc tính nổi trội và được ưa chuộng rộng rãi nên việc xuất hiện những sản phẩm pha lê nhái hoặc giả pha lê Swarovski là điều không tránh khỏi. Và với trình độ sản xuất đá giả ngày càng tinh vi như hiện nay thì ngay cả những người sành về trang sức hay đá quý cũng khó lòng phân biệt được hàng chính hãng và hàng fake nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Đối với pha lê Swarovski, các bạn có thể dựa vào một số dấu hiệu và kinh nghiệm sau để nhận biết hàng chính hãng :
- Thứ nhất, pha lê Swarovski được tạo ra nhờ công nghệ máy cắt gọn hiện đại bậc nhất nên mỗi viên pha lê sẽ có thông số về kích thước và vết cắt rất rõ ràng và chuẩn xác. Những viên pha lê cùng loại thì rất đồng đều về kích thước, hình dáng. Các bạn có thể tìm hiểu những thông tin này trên bao bì sản phẩm.
- Thứ hai, tỷ lệ pha trộn để tạo nên pha lê Swarovski cũng vô cùng nghiêm ngặt nên hầu như sẽ không có những vết mờ đục hay bóng khí bên trong pha lê. Mà đặc biệt phải xuất hiện sắc cầu vồng với pha lê Swarovski màu hoặc trong suốt với pha lê Swarovski không màu.
- Thứ ba, pha lê Swarovski thường có trọng lượng nặng hơn các loại đá hoặc pha lê khác do nó được phủ 2 lớp tráng kim loại bên ngoài.
- Thứ tư, pha lê Swarovski có độ bắt sáng cao, đặc biệt nhạy với ánh sáng lạnh. Càng sử dụng lâu pha lê Swarovski càng bóng. Ngay cả khi bị mất màu do mồ hôi và tác động môi trường thì cũng rất dễ dàng vệ sinh bằng nước để lấy lại độ sáng bóng ban đầu.
- Thứ năm, pha lê Swarovski là hàng cao cấp nên bao bì bao gói của sản phẩm rất được hãng chăm chút. Mỗi sản phẩm đều có niêm phong và tem chống hàng giả với mẫu do phía hãng phát hành độc quyền. Bao bì in logo của hãng trông rất sang trọng.
Theo Vneconomy
Ngày nay, nhưng sản phẩm pha lê của Swarovski không chỉ xuất hiện trên các sản phẩm thời trang và phụ kiện thời trang mà chúng còn xuất hiện cả trên các sản phẩm nội thất như tay nắm cửa tủ, khoá cửa cao cấp, sang trọng của các hãng nội thất nổi tiếng của Ý như Giusti, Linea Cali…